loading...

Khoan đã, mật ngọt ở đây không phải tinh tuý từ những chú ong vàng chăm chỉ, mật ngọt thành Rome là những góc phố đậm đặc chất Ý được nắng tô vàng đượm khiến cho mọi ngõ ngách ở thành Rome đều trở nên thi vị và xinh đẹp lạ lùng. Một buổi chiều đuổi bắt từ trung tâm thành phố đến Castel St. Angelo, tôi đã cáu bẳn tiếc nuối vì hoàng hôn ở Rome đẹp như thế, mỗi khoảnh khắc có thể trở thành góc “sống ảo” để đời cho con cháu chiêm ngưỡng vậy mà tôi lại đi du lịch… một mình.

ĐI ROME LÚC NÀO LÀ ĐẸP NHẤT?

Đó là một câu hỏi không có lời giải đáp. Bốn mùa xuân hạ thu đông, Rome đều chật cứng khách du lịch như lời bài hát “bốn phương trời ta về đây chung vui…”. Năm ấy chuyến đi Rome của tôi rơi vào tháng 10, theo kinh nghiệm dân gian thì đã là mùa thấp điểm của ngành du lịch. Đến nơi thì tôi biết mình nhầm. Khi cố len lỏi qua một nhóm khách du lịch đi theo đoàn đang đứng chặn lối đi tý tẹo trong Castel Saint’ Angelo, tôi tự rủa mình không biết học kinh nghiệm từ những lần đi trước. Paris, Rome, Barcelone… những địa danh quá nổi tiếng thì đi mùa nào cũng là như nhau. Nếu muốn yên tĩnh thưởng thức văn hoá địa phương hay có một bức ảnh đẹp mà không vướng người qua lại, chắc về nhà photoshop cho xong.

(Ảnh minh hoạ)

Nói thế thôi, chứ dù là đi mùa nào, bạn chỉ cần để ý thời tiết một chút là được. Với vị trí địa lý nằm ở khu vực Địa Trung Hải và gần xích đạo, khí hậu ở Ý mát mẻ vào mùa thu đông và nóng phát rồ vào hai mùa còn lại. Mỗi mùa đều đẹp theo một vẻ rất riêng, nhưng như tôi nói ở trên, hãy đi mùa hè và thu để được nhấm nháp mật ngọt tuyệt đẹp ở Rome

ĐẾN ROME NHƯ THẾ NÀO?

Từ sân bay Ciampino ở ngoại ô thành phố, tôi bắt bus đi về hostel của mình, vốn nằm cạnh nhà ga trung tâm. Rome có 3 sân bay nhưng chủ yếu khách du lịch đi và đến qua hai sân bay chính là Leonardo Da Vinci và Ciampino. Ciampino airport là “con ghẻ”, nơi hạ cánh của những hãng hàng không giá rẻ và nằm ở phía ngược lại với sân bay chính Leonardo Da Vinci nhưng giao thông vẫn thuận tiện và dễ dàng. Ở sân bay Ciampino, bạn có thể mua vé bus hai chiều vào thành phố với giá 6e/lượt. Ngoài ra train cũng là lựa chọn không tồi khi giá vé chỉ 1.5e/lượt. Taxi cũng có, nhưng với một đứa ta ba lô chuyên du lịch bụi như tôi, kẻ đã canh đến khi giá vé máy bay rẻ bằng một cái bánh pizza mới lên đường thì taxi là một thứ gì đó xa xỉ như túi Chanel vậy.

ĐI ĐÂU, ĂN GÌ Ở ROME?

Đấu trường La Mã, Castel Saint’ Angelo, thánh đường Vatican và bảo tàng nằm phía bên trong có bức tranh trần nhà nổi tiếng của Michelangelo, bậc thang Tây Ban Nha, điện Pantheon, đài phun nước Trevi, quảng trường Piazza Navona… Chỉ cần gõ nhẹ “where to go in Rome” vào thanh tìm kiếm, bạn sẽ tìm được vô vàn kết quả, tha hồ lên lịch tham quan. Bài viết này dĩ nhiên không bỏ sót các điểm check in lẫy lừng, nhưng cũng sẽ đưa các bạn đến những địa điểm bé hơn, và tất nhiên, cũng đẹp và thú vị không kém.

ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH TRÌNH: ĐIỆN PANTHEON – ĐÀI PHUN NƯỚC TREVI – QUẢNG TRƯỜNG PIAZZA NAVONA

Tôi nôn nóng đến điện Pantheon đầu tiên không phải vì niềm đam mê mãnh liệt với kiến trúc Roman cổ mà là vì sợ phải xếp hàng vào cổng *cười đểu*. Một tip quan trọng khi đi du lịch với tài khoản thời gian hạn chế đó là bạn phải trừ hao thời gian xếp hàng mua vé và vào cổng, để không phải gặp cảnh chạy vắt giò lên cổ sang điểm tham quan tiếp theo trong khi điểm tham quan thứ nhất chỉ đọng lại mỗi bức ảnh check in. Trời hiểu lòng người, quả nhiên sau khi tôi kết thúc một lượt bên trong Pantheon thì đoàn người xếp hàng để được vào điện đã lên đến hai vòng xung quanh đài phun nước phía trước.

(Ảnh minh hoạ)

Bên trong điện Pantheon không có gì đặc biệt, có thể hơi nhàm chán với những ai không biết lịch sử huy hoàng của nó. Pantheon hôm nay được biết đến bởi mái vòm hình tròn độc đáo, thiết kế kín không cửa sổ và là nơi an nghỉ của nghệ sĩ tài danh Raphael. Thực ra, Pantheon còn nổi tiếng vì kiến trúc đặc biệt, được thiết kế để tạo ra hiệu ứng ánh sáng thần thánh vào ngày 21/4, ngày thành lập thành Rome. Vào giữa trưa ngày 21, ánh sáng mặt trời rọi vào lưới tản nhiệt bằng kim loại phía trên ô cửa, làm không gian bên ngoài bừng lên với ánh sáng trời. Người ta bảo rằng khi vị Hoàng Đế đứng ở cửa chính vào thời khắc đó thì hiệu ứng ánh sáng đặc biệt này khiến cho Hoàng Đế trông như đang toả ra hào quang của một vị thần. Không đến Rome đúng ngày 21/4, tôi chỉ bước đi trên nền đá marble, tồn tại và giữ nguyên xi từ ngày đền mới được xây dựng (nghe đâu vào năm 27 trước công nguyên) và đi tìm ngôi mộ Raphael cho thoả lòng hâm mộ. Nói gì thì nói, Raphael, Michelangelo, Bernini… từng một thời là những bóng ma ám ảnh tôi lúc còn ngồi mài mông ở trường đại học, trên danh nghĩa sinh viên thiết kế *cười*.

Rời khỏi điện Pantheon, chia tay 16 cây cột được kỳ công kéo về từ tận sông Nile, tôi đi bộ sang đài phun nước Trevi. Dĩ nhiên khoảng cách giữa hai địa điểm không phải là gần, nhưng với tinh thần cháu ngoan Bác Hồ, tôi vẫn chọn đi bộ thay vì đi metro để được ngắm nhìn Rome đầy đủ hơn. Nhờ vậy, tôi bắt gặp hai “em” chó này.

(Ảnh minh hoạ)

Sống phong lưu như dân (chó) Ý là thật các bạn ạ.

Đài phun nước Trevi là một kỳ quan, đó là điều không thể phủ nhận. Vượt qua một điểm tham quan du lịch bình thường, Trevi là tượng đài tín ngưỡng và linh hồn của thành Rome, khi mà hàng triệu lượt khách tham quan ném đến 3000e mỗi ngày xuống hồ nước với hy vọng sẽ có dịp quay lại thành phố này. Mọi khách du lịch bất kể màu da, quốc tịch, tôn giáo đều tạm thời quên đi thần Phật Chúa Trời hay Allah để ném đồng xu qua vai trái. Mà các bạn nhớ là phải ném qua vai trái nhé. Không ai biết ai đã tạo nên câu chuyện thần thoại đó, nhưng bản thân Rome đã là một điều huyền hoặc khổng lồ tồn tại qua hàng chục thế kỷ rồi, nên nghiễm nhiên một hay hai điều nữa có là bao.

À, và nhớ cẩn thận móc túi nhé.

QUẢNG TRƯỜNG PIAZZA NOVANO

(Ảnh minh hoạ)

Quảng trường Piazza Navona nằm ngược hướng với đền Pantheon và đài phun nước Trevi. Theo lý thuyết người ta nên bắt đầu từ bậc thang Tây Ban nha rồi đến đài phun nước Trevi, đi về phía Pantheon và kết thúc hành trình ở quảng trường Piazza Novano nhưng tôi thì lại không muốn bỏ ra cả giờ đồng hồ xếp hàng trước cửa Pantheon nên đi theo lịch trình “ngược đời”. Nếu bạn dư dả thời gian hoặc ngại di chuyển, bạn có thể chọn cho mình 1 cung đường khác thuận tiện hơn.

(Ảnh minh hoạ)

Ngày hôm đấy tôi đến Piazza Navona là lúc chiều tà. Hoàng hôn đã bắt đầu từ lúc tôi rải bộ qua những góc phố với những cửa hàng bán đồ thủ công bằng da, những nhà hàng Ý đầy hoa và hàng cà phê toả mùi thơm nức. Trên những ban công rũ đầy sắc hoa và những mảng tường vàng, nắng chiều đã dát thêm cho Piazza một vẻ đẹp dịu dàng, ngọt ngào và thơ mộng khó lòng diễn tả. Hay bạn xem hình đỡ nha:

Piazza Navona có hai đài phun nước lớn, một trong số đó là tuyệt tác của thiên tài Bernini – được gọi tên Đài phun nước bốn dòng sông. Đài phun nước Neptune ở phía đầu còn lại của quảng trường cũng đẹp không kém – nhưng đó không phải là tất cả những lý do khách du lịch bị lôi kéo đến quảng trường này. Ở đây khách có thể chọn cho mình một hay nhiều lối đi, đi thẳng vào nhà hàng Ý để thưởng thức một bữa ăn Ý thật đặc trưng hay đi loanh quanh nhìn ngắm những hoạ sĩ già cỗi đang chào bán những bức vẽ phong cảnh và con người thành Rome và những nghệ nhân đường phố đang biểu diễn miễn phí cho khách thưởng lãm. Hàn lâm hơn, bạn có thể chọn tham quan nhà thờ Church of Sant’Agnese và di tích đấu trường cổ đại thứ nhì chỉ sau đấu trường La Mã, nơi mà ngày nay chính là quảng trường bạn đang đứng – Domitian Stadium.

(Ảnh minh hoạ)

Đặc sản của quảng trường này ngoài những góc sống ảo đẹp nức nở còn có móc túi và lừa đảo. Bạn nhớ nhé, đừng chủ quan chỉ vì cảnh quá đẹp và kem quá ngon.

Và đừng quên mua ủng hộ những lão hoạ sĩ già một bức vẽ thật đẹp, bởi vì có lẽ đó là thứ duy nhất made in Italy mà bạn có thể mua trong một rừng đồ lưu niệm made in China.

Blogger Ong Đậu Xanh

Đến với Go Dreams, bạn sẽ có thể chọn lựa các tour trải nghiệm với điểm đến là nước Ý như:

Chia sẻ: